Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Chủ đầu tư cơ sở, công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng còn các tồn tại, vi phạm về PCCC tại từng tòa nhà, công trình khẩn trương tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, vi phạm về PCCC, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/6/2018.
Thành phố cũng yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc thường xuyên duy trì, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC tại công trình, chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Đối với các giải pháp liên quan đến việc thay đổi công năng, cải tạo bố trí mặt bằng, quy mô, kiến trúc, kết cấu phải xây dựng hồ sơ, trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép theo quy định.
Giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trên của Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, Cảnh sát PC&CC Thành phổ và các đơn vị liên quan xem xét thẩm định cấp phép, thẩm duyệt về PCCC đối với các cơ sở, công trình trong việc thay đổi công năng, cải tạo mặt bằng, quy mô, kiển trúc, kết cấu để đảm bảo yêu cầu về PCCC.
Cảnh sát PC&CC Thành phố rà soát chính xác các tồn tại vi phạm của các cơ sở, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tổ chức, thực hiện của Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Theo tiến độ kiểm tra, rà soát từng công trình, phối hợp với các cơ quan truyền thông: Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo An ninh Thủ đô, Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố thường xuyên đăng tải công khai, đầy đủ danh tính và nội dung tồn tại vi phạm về PCCC, tiến độ khắc phục của Chủ đầu tư.
Theo Trí thức trẻ